Phật A Di Đà hay còn gọi là Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang và Vô Lượng Công Đức Phật bởi Ngài sở hữu công đức vô hạn phát sinh từ những việc tốt không biết bao nhiêu kiếp trước. Phật A Di Đà đại diện cho lòng từ bi vô lượng của chư Phật, là vị thầy đạo tiếp đón chúng sinh về cõi Tây Phương Cực Lạc – nơi cảnh giới hết sức vi diệu. Toàn bộ cảnh giới và các vật dụng ở đấy đều được tạo ra từ bảy thứ quý báu. Chúng sinh ở cõi Cực Lạc không phải chịu những đau khổ về sinh, lão, bệnh, tử; không có sự đau khổ về thân cũng như về tâm, họ luôn sống trong chánh niệm, tỉnh giác, an vui tu hành, thường được hạnh phúc.
“Nếu sau khi đạt được Phật quả, tất cả chúng sinh khát khao thành thực và đức tin để được tái sinh trong đất của tôi, niệm tên tôi 10 lần mà không được sinh ra ở đó, thì tôi không thể đạt được giác ngộ hoàn hảo.” là lời nguyện thứ 18 trong 48 đại nguyện của Phật A Di Đà và cũng là nền tảng của Tịnh Độ. Bởi vậy, Phật A Di Đà là vị Phật đặc biệt được tôn kính trong Phật Giáo Đại Thừa, đặc biệt là các Phật Tử theo Tịnh Độ Tông.
Người đời thường tôn thờ kính tin và khắc họa hình tượng Phật A Di Đà trong tư thế ngồi kiết già trên tòa sen, tay bắt ấn thiền định. Trên tay Phật giữ một cái bát. Ngài cũng thường được thấy trong tư thế đứng trên tòa sen lơ lửng trong hư không, bên dưới là bể cả sóng nổi, tay phải đưa ngang vai, chỉ lên; tay trái đưa ngang bụng, chỉ xuống, hai lòng bàn tay hướng về phía trước; như sẵn sàng chờ đợi cứu vớt những chúng sinh đang đắm chìm trong bể khổ. Trước ngực Phật thường có chữ Vạn, một trong 32 tướng tốt của Phật. Hình tượng Phật A Di Đà thường đi liền với hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí, hai vị thị giả hộ trì Đức Phật A Di Đà giáo hóa và dẫn đạo chúng sinh về cõi Tây Phương Cực Lạc.